Nhà Thiếu Nhi Quận 10

https://nhathieunhiquan10.com


Chương trình Hoạt động của hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi năm 2014

Chương trình Hoạt động của hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi năm 2014
ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH
HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG
***
 
 
Hà Nội, ngày  14  tháng 2 năm 2013
Số:  09A CT/HĐĐTW  
 
       
CHƯƠNG TRÌNH
Hoạt động của hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm
hoạt động thanh thiếu nhi năm 2014
--------
 
Năm 2014 là năm “Thanh niên tình nguyện”, năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X; Hội đồng Đội Trung ương xây dựng Chương trình hoạt động hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi năm 2014, với nội dung cụ thể như sau:
 
I. CHỦ ĐỀ: “TÌNH NGUYỆN VÌ ĐÀN EM THÂN YÊU”
 
II. TRỌNG TÂM CÔNG TÁC.
1. Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng gắn với việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 06 NQ/TWĐTN, ngày 29/3/2010 của BCH Trung ương Đoàn khóa IX về “Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng”.
2. Tổ chức các Trại huấn luyện kỹ năng cho cán bộ Đội và thiếu nhi, giúp thiếu nhi có điều kiện được học tập, bồi dưỡng năng khiếu, kỹ năng thực hành xã hội, trải nghiệm sáng tạo; tạo điều kiện để các em được tham gia sinh hoạt, học tập các lớp năng khiếu theo khả năng, sở thích.
3. Nâng cao chất lượng, tổ chức đa dạng các lớp tập huấn kỹ năng, phương pháp công tác Đội; mở rộng các sân chơi, nghiên cứu, chuyển giao, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả về cơ sở; mở rộng các hoạt động thiếu nhi trên địa bàn dân cư.
4. Tập trung tổ chức các hoạt động tham gia hưởng ứng năm “Thanh niên tình nguyện” theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; các ngày lễ lớn; chương trình Đêm hội trăng rằm và các hoạt động nhân dịp Tết Trung thu; các hoạt động trong dịp Hè và Tháng hành động Vì trẻ em.
III. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP CỤ THỂ:
1. Hoạt động vui chơi giải trí:
* Nội dung, giải pháp:
- Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình vui chơi giải trí cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tăng cường tổ chức các sân chơi lưu động nhằm thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia; duy trì các loại hình trò chơi dân gian để giáo dục các em giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
- Tiếp tục đầu tư các sân chơi công nghệ cao, các trò chơi giáo dục hiện đại, trò chơi ngoài trời nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí đa dạng của thiếu nhi, tạo điều kiện để các em tiếp cận với các mô hình trò chơi mang tính sáng tạo, kích thích sự phát triển tư duy, khả năng nhạy bén của các em.
- Tổ chức các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật, các chương trình giao lưu văn hóa, trại hè thực hành kỹ năng xã hội, hành trình về nguồn, thăm quan dã ngoại, giáo dục truyền thống cho thiếu nhi. Tập trung tổ chức các hoạt động kỷ niệm, các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương. Đặc biệt chú trọng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí miễn phí, giảm phí cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
* Chỉ tiêu
- Mỗi Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh tổ chức được ít nhất 01 trại hè huấn luyện kỹ năng cho thiếu nhi.
- 100% Nhà Thiếu nhi các cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), tổ chức cho thiếu nhi tham gia tốt cuộc thi Tự hào Việt Nam, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua con tem Bưu chính.
2. Hoạt động bồi dưỡng, phát hiện năng khiếu:
* Nội dung, giải pháp:
- Nghiên cứu, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh, Thành đoàn thí điểm, nhân rộng các mô hình phát triển tài năng cho thiếu nhi; nâng cao chất lượng đào tạo các bộ môn năng khiếu; tiếp tục phát triển các đội, nhóm, câu lạc bộ có tính hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu học tập, sinh hoạt của mỗi đối tượng thiếu nhi.
- Tăng cường các hình thức liên kết đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng khiếu cho thiếu nhi, quan tâm tới đối tượng thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiếp tục mở rộng các lớp ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các mô hình Câu lạc bộ sáng tạo, giúp các em tiếp cận với các bộ môn khoa học, từng bước hội nhập quốc tế.
- Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa đội ngũ cộng tác viên, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quan tâm đội ngũ giáo viên chuyên sâu các loại hình năng khiếu, tiếp tục biên soạn các chương trình, giáo án, bài giảng cho các lớp năng khiếu, phù hợp với từng đối tượng thiếu nhi.
* Chỉ tiêu:
- Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh tổ chức được ít nhất 5 loại hình, Nhà Thiếu nhi cấp huyện 2 loại hình đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao...
- Duy trì thường xuyên hoạt động các Câu lạc bộ ngoại ngữ, tin học, Câu lạc bộ sáng tạo khoa học, Câu lạc bộ sáng tác thơ, văn tuổi học trò...
3. Hoạt động phương pháp công tác Đội:
* Nội dung, giải pháp:
- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X về công tác Phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng tại các Cung, Nhà Thiếu nhi bằng các hoạt động cụ thể gắn với từng hoạt động chuyên môn.
- Chuyển giao các mô hình hoạt động Đội có hiệu quả về cơ sở; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Đội Nghi thức, Đội tuyên truyền măng non, các đội, nhóm, Câu lạc bộ để phục vụ các hoạt động của địa phương. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động thiếu nhi trên địa bàn dân cư.
- Phối hợp với Hội đồng Đội tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng xã hội cho cán bộ Đội ở các cấp. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ Giáo viên - Tổng phụ trách Đội và Câu lạc bộ cán bộ Chỉ huy Đội. Mở rộng các mô hình Học kỳ trong Quân đội, học kỳ Công an, Trại hè thiếu nhi... tạo điều kiện để các em được trải nghiệm trưởng thành, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội.
* Chỉ tiêu
- Mỗi Nhà Thiếu nhi cấp huyện xây dựng 01 mô hình hoạt động Đội, thiếu nhi tại xã phường, Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh chuyển giao ít nhất 02 mô hình hoạt động hay về cơ sở.
- Tổ chức ít nhất 03 lớp (đối với Nhà Thiếu nhi cấp Tỉnh), 01 lớp (đối với Nhà thiếu nhi cấp huyện) tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ Giáo viên - Tổng phụ trách Đội, giáo viên phụ trách chi đội, cán bộ phụ trách thiếu nhi ở địa bàn dân cư, cán bộ Ban Chỉ huy Liên đội, chi đội.
4. Các hoạt động tình nguyện, nhân đạo từ thiện:
* Nội dung, giải pháp:
- Tăng cường công tác tình nguyện gắn với các hoạt động cụ thể như: tổ chức các hoạt động vui chơi miễn phí, quyên góp xây dựng tủ sách, trao tặng xe đạp, học bổng, quần áo sách vở cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, con em các gia đình chính sách và những người có công với đất nước.
- Quan tâm giúp đỡ thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực biên giới hải đảo; mở rộng các loại hình sân chơi lưu động đến những nơi chưa có Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi.
- Duy trì các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các Nhà Thiếu nhi có điều kiện với các Nhà Thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thông qua các hoạt động cụ thể như: Tặng tủ sách, Nhà bán trú cho thiếu nhi dân tộc, Ngôi nhà khăn quàng đỏ...
* Chỉ tiêu:
- Mỗi Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh nhận giúp đỡ, phát triển 01 điểm vui chơi cấp xã, tổ chức ít nhất 03 chương trình biểu diễn văn hoá, nghệ thuật phục vụ thiếu nhi miền núi, vùng dân tộc thiểu số, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
- Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh tổ chức được ít nhất 02 hoạt động giao lưu, kết nghĩa, thăm hỏi, tặng quà cho thiếu nhi vùng núi, dân tộc, vùng bị thiên tai, lũ lụt, biên giới, hải đảo.
5. Xây dựng cơ sở vật chất:
* Nội dung, giải pháp:
- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có để phục vụ các hoạt động cho thiếu nhi.
- Triển khai Quyết định số 2164/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/11/2013 về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng năm 2030; tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quy hoạch quỹ đất, nguồn lực xây dựng Nhà Thiếu nhi cấp huyện, các điểm vui chơi giải trí tại xã phường.
- Tranh thủ các nguồn lực, đẩy mạnh hơn công tác xã hội hoá các hoạt động văn hóa theo tinh thần của Đảng, Nhà nước, đa dạng hoá các hoạt động theo mô hình liên doanh, liên kết tạo nguồn lực đầu tư cho các hoạt động hưởng thụ văn hoá tinh thần, vui chơi giải trí của thiếu nhi.
* Chỉ tiêu:
- Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh đầu tư đạt 80% trang thiết bị phục vụ cho các môn học năng khiếu, có khu vui chơi ngoài trời.
- Nhà Thiếu nhi cấp huyện đầu tư ít nhất 50% trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO:
1. Trung ương:
- Tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm việc xây dựng các văn bản pháp quy liên quan đến các Cung, Nhà thiếu nhi. Tăng cường sự chỉ đạo hướng dẫn hoạt động của Cung, Nhà thiếu nhi thông qua chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi hàng năm. Phối hợp Cục Văn hóa cơ sở tham mưu sửa đổi bổ sung chế độ chính sách đối với các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi.
-  Lập kế hoạch triển khai quy hoạch đầu tư phát triển hệ thống vui chơi, giải trí cho trẻ em theo Quyết định số 2164/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/11/2013 về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng năm 2030.
- Mở rộng công tác truyền thông về những chủ trương chính sách liên quan đến trẻ em; kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng Đội vững mạnh.
2. Địa phương:
- Cụ thể hóa chương trình công tác năm theo hướng dẫn của Hội đồng Đội Trung ương đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương; sát với thực tiễn phong trào và đáp ứng được nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của thiếu nhi.
- Chủ động làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong việc lập đề án quy hoạch tổng thể hệ thống Nhà Thiếu nhi các cấp.
- Tăng cường sự quản lý, chỉ đạo và định hướng của Đoàn Thanh niên các cấp đối với Nhà Thiếu nhi; phát huy vai trò hướng dẫn của Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh đối với hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi cấp huyện.
V. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG LỚN:
1. Hoạt động cấp khu vực:  Do Ban Chủ nhiệm Câu lạc Bộ Giám đốc Nhà Thiếu nhi các khu vực chủ trì.
1.1 Khu vực phía Bắc
- Liên hoan "Tiếng kèn Đội ta” tại Thanh Hóa (cuối Tháng 7).
- Liên hoan Nghệ thuật thiếu nhi tại Điện Biên (đầu Tháng 7).
- Hội nghị Câu lạc bộ Nghiệp vụ Nhà Thiếu nhi khu vực phía Bắc tại Ninh Bình (Tháng 10).
1.2 Khu vực phía Nam
- Liên hoan “Phụ trách tài năng” tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tháng 3).
- Liên hoan "Tiếng kèn Đội ta” lần thứ VI tại Tây Ninh  (Tháng 6).
- Liên hoan “Búp sen hồng” lần thứ XX tại Cà Mau (Tháng 7)
- Hội nghị rút kinh nghiệm hoạt động 2014 và thống nhất chương trình hoạt động năm 2015 giữa các thành viên trong Ban Chủ nhiệm tại Đà Nẵng (Tháng 9)
- Liên hoan các Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Giữa tháng 10)
- Hội nghị Câu lạc bộ Nghiệp vụ Nhà Thiếu nhi khu vực phía Nam tại Bạc Liêu (Tháng 10)
* Các hoạt động khu vực khuyến khích sự tham gia của các đơn vị ngoài khu vực để tăng cường sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác.
2. Hoạt động cấp toàn quốc:  Do Trung ương chủ trì.
2.1 Tập huấn cán bộ nghiệp vụ của các Cung, Nhà Thiếu nhi toàn quốc
- Quy mô: Toàn quốc
- Địa điểm: Hà Nội
- Thời gian:          Dự kiến 07 - 10 ngày trong tháng 8 không kể thời gian đi và về.
- Thành phần: Là cán bộ nghiệp vụ các khoa, phòng chuyên môn của hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu nhi toàn quốc.
2.2 Giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại nước ngoài
- Quy mô: Toàn quốc.
- Dự kiến địa điểm: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore...
- Thời gian: Dự kiến 05 - 07 ngày trong tháng 8 không kể thời gian đi và về.
- Thành phần: Là cán bộ đang công tác trong hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu nhi toàn quốc.
2.3 Liên hoan  “Đội tuyên truyền măng non”
- Quy mô: Theo Cụm thi đua.
- Địa điểm: Tại các địa phương được phân công.
- Nội dung: Theo từng chuyên đề: An toàn giao thông, bảo vệ môi trường, tài nguyên Nước, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống ma túy, bạo lực học đường, phòng chống lao, phòng chống đuối nước, phòng chống thiên tai, bão lũ…
- Thành phần: Các Đội tuyên truyền măng non đang sinh hoạt tại các Cung, Nhà Thiếu nhi, các Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu nhi trong toàn quốc.
2.4 Hội trại sáng tác thơ văn tuổi học trò toàn quốc và trao Giải thưởng “Cây bút Tuổi hồng lần thứ 4”
- Quy mô: Toàn quốc.
- Thời gian: 02 - 03 ngày, cuối tháng 6/2014.
- Thành phần: Là các Cây bút Tuổi hồng do Hội đồng bình chọn và các em thiếu nhi đang sinh hoạt tại các Câu lạc bộ thơ, văn của Cung, Nhà Thiếu nhi các tỉnh, thành phố.
2.5 Giải “Cầu lông, bóng bàn tuổi 15” các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi toàn quốc.
- Quy mô: Toàn quốc
- Thời gian: 02-03 ngày, tháng 7/2014
- Địa điểm: Hà Nội
2.6 Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2014, triển khai hoạt động năm 2015
- Quy mô:  Toàn quốc.
- Địa điểm: Hà Nội
- Thành phần:  Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố; Giám đốc hoặc Phó Giám đốc các Cung, Nhà Thiếu nhi, các Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu nhi cấp tỉnh và một số Nhà Thiếu nhi cấp huyện.
Trên đây là chương trình hoạt động các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi toàn quốc năm 2014. Các đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương triển khai thực hiện và báo cáo về Trung ương theo quy định.
 
Nơi nhận: TM. HỘI ĐỒNG ĐỘI TRUNG ƯƠNG
- Ban Bí thư TW Đoàn;
- Bộ VH,TT&DL, Bộ KH&ĐT,
  Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH;
- Các đ/c Uỷ viên Hội đồng Đội TƯ K7;
- BTV Đoàn, HĐĐ các tỉnh, thành phố;
- Các NTN, TT HĐ TTN cấp tỉnh;                                                                                                          
- Lưu VP HĐĐTW.
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
 
Nguyễn Phú Trường
 

Nguồn tin: Hội Đồng Đội Trung Ương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây